• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT ĐỨC HỢP, HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, một nét đẹp trong văn hoá của người Việt - CLB Sách và Hành Động THPT Đức Hợp

| Hồn Tết Việt - Thấm đượm vị Tết quê hương |

Theo dòng chảy nhộn nhịp của những ngày cuối năm Tân Sửu 2021, khi mà hương Tết đang len lỏi khắp những con phố nhộn nhịp và các ngõ nhỏ làng quê, CLB SVHĐ đã xây dựng một chuyên mục mới mang tên: “Hồn Tết Việt” - Chào xuân mới Nhâm Dần 2022.

Lên ý tưởng tạo ra chuyên mục này, CLB Sách và Hành Động THPT Đức Hợp không chỉ muốn đưa truyền thống văn hoá dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ mà thông qua đây chúng tớ rất muốn truyền thêm tình yêu dành cho những nét đẹp truyền thống của tổ tiên, góp một phần nhỏ giúp những giá trị ấy được gìn giữ ngàn đời không mai một. Ở “Hồn Tết Việt”, mọi người sẽ cùng theo chân CLB đi tìm hiểu để biết thêm về những phong tục cổ truyền trong những ngày cuối năm và đầu xuân năm mới của dân tộc Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc. Các bạn sẽ hiểu vì sao lại thả cá chép vàng vào 23 tháng Chạp hay vì sao lại là bánh chưng mà không phải bất kỳ loại bánh nào khác,...

Rất mong “Hồn Tết Việt” sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người!

CLB Sách và Hành Động Trường THPT Đức Hợp.

 

| 23 tháng Chạp - Cùng đưa ông Táo về trời |

Ô kìa, các bạn có để ý không, Tết đã về trên khắp những nẻo đường rồi đó! Ngoài mai đào bánh kẹo, một thứ không thể thiếu trong những phiên chợ giáp Tết như thế này chính là cá chép và đồ cúng ông Công ông Táo. Vậy lễ cúng ông Công ông Táo của người Việt Nam chúng ta có gì đặc biệt nhỉ, hãy cùng theo chân BnA Đức Hợp tìm hiểu nhé!

 

Ngược dòng quá khứ

———————————————————————

Táo Quân thì ai cũng biết rồi, vậy bạn có biết nguồn gốc của những vị thần Bếp này là từ đâu không nhỉ? Nhanh chân bước lên cỗ máy thời gian cùng BnA để tìm hiểu thôi nào!

Táo Quân vốn có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng đã được người việt chuyển hóa thành sự tích về hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ tình cảm thủy chung giữa ba người, và bắt đầu thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ "lửa" trong gia đình, giúp gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Người Việt quan niệm, ba vị Táo Quân có quyền định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình, và phước đức này là do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà mà có. Với mong muốn Thần Bếp sẽ "phù hộ" cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, vào ngày 23 tháng Chạp, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.

 

Thời gian làm lễ

———————————————————————

Lễ cúng thường được diễn ra vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, vì nếu để qua 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo, e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

 

Miền Bắc

---------------------------

Ở miền Bắc, người dân thường cúng ông Công, ông Táo khá sớm, bắt đầu từ 20 và muộn nhất là trưa 23 tháng Chạp. Bởi người dân quan niệm sau giờ đó thì ông Công, ông Táo phải bay về trời, không còn ở dương gian nữa.

Lễ vật để cúng ông Công ông Táo ngoài vàng mã, cá chép thì nhiều nơi còn dùng cả xôi chè, thường là chè bà cốt. Khi nấu chè, người ta sẽ cố ý để chè vương lên ông đầu rau, hay bôi chè lên ông đầu rau để Táo Quân lên Trời báo cáo cho “ngọt” giọng.

Bàn thờ Táo Quân của người miền Bắc thường bày cao hơn bàn thờ tổ tiên, trên đó gồm bộ mũ, hia. Khi đã cúng xong, họ đốt vàng mã và tiễn ba ông đầu rau trong bếp bằng cách thả xuống ao, sau đó thay ba ông đầu rau mới vào bếp và cả bộ mũ trên bàn thờ.

Ngoài ra, người dân còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng.

 

Miền Trung 

------------------------------------

Người miền Trung thường làm lễ tiễn Táo Quân sẽ lên thiên đình vào ngày 23 tháng Chạp rất trọng thể.

Việc đầu tiên là phải thay cát mới trong lư hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ. Sau khi cúng xong, tượng ba ông Táo cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp và đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm hay ở dưới gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Tiếp đó, họ sẽ rước tượng ba ông Táo mới lên bàn thờ để bắt đầu một năm làm việc tiếp theo.

 

Miền Nam

----------------------------------

Ngoài những lễ vật giống người Bắc, người miền Nam còn có thêm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và một bộ “cò bay, ngựa chạy” - hình con cò và con ngựa làm bằng giấy, không có khung tre cầu kỳ như miền Bắc.

Điểm khác biệt so với những vùng miền khác trong lễ cúng ông Công ông Táo của người miền Nam là không có tục trút lư để thay cọng nhang, không mua cá chép, không thờ áo mũ, một số nơi còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là một mâm trái cây hết sức đơn giản.

Người dân miền Nam thường cúng ông Công ông Táo về buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20h đến 23h, bởi họ quan niệm rằng vào thời điểm cuối ngày, sau khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng đến bếp nữa thì mới được tiễn ông Táo lên đường gặp Ngọc Hoàng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website