• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT ĐỨC HỢP, HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu học sinh Phạm Văn Trưởng, một tấm gương vươn lên, một tấm lòng tốt đẹp

Ngày thứ Hai đầu tuần nhận được cuộc gọi của anh bạn cùng khóa rủ ra công ty chơi để chia sẻ tâm sự về một việc ý nghĩa vừa làm, dù cũng rất bận mà tôi vẫn phải đi chút vì biết bạn vừa đi cứu trợ đồng bào miền Trung về - Bài viết của tác giả Vũ Gia Tuyển, Cựu học sinh khóa 1999-2002

Bạn tôi tên Phạm Văn Trưởng, người thôn Vĩnh Đồng, xã Đồng Thanh- học sinh lớp 12B khóa 1999-2002 THPT Đức Hợp. Sinh ra trong một gia đình thuần nông đông anh em, bố chẳng may lại bị tàn tật, ở xã khó khăn nhất trong cụm 7 xã ven sông Hồng của huyện Kim Động nên ngay từ bé bạn Trưởng đã có những điều khó khăn đặc biệt. Ngày đó, do điều kiện gia đình, bố mẹ không nuôi được nên đành gửi Trưởng sang cho bác ruột nuôi dưỡng. Tuy nhiên, bà bác ấy cũng không có chồng con, công việc lương thấp nên cuộc sống hai bác cháu cũng hết sức khó khăn. Khi học gần hết lớp 12, Trưởng cũng như bao bạn khác muốn bước vào giảng đường đại học thì lại vô tình nghe được câu chuyện giữa bác và bố với nội dung rằng, bây giờ nếu Trưởng thi đỗ vào đại học thì đó lại là điều lo lắng nhất của gia đình chứ không phải niềm vui vì sẽ không có tiền lo cho anh ăn học tiếp. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Trưởng định không thi tốt nghiệp nhưng may mắn, thầy Chủ nhiệm lớp cùng với các bạn đã đến tận nhà để động viên Trưởng thi lấy cái bằng tốt nghiệp THPT.

Cuối năm 2002, khi rất nhiều các bạn cùng trang lứa hớn hở bước vào giảng đường đại học, cao đẳng thì Trưởng lặng lẽ xách ba lô với vài ba bộ quần áo đi cùng người quen vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Bước vào đời với hai bàn tay trắng, Trưởng chỉ biết tự nhủ phải cố gắng hết sức mình. Anh luôn tự nhắc bản thân rằng cuộc đời người ta có nhiều cách để thành công chứ không nhất thiết phải theo con đường học hành, cái quan trọng là ý chí của mình mà thôi. Người quen giới thiệu cho anh đi làm nghề trang trí nội thất thạch cao, một cái nghề vất vả, cả ngày bụi bặm, cặm cụi nhưng anh không bao giờ kêu ca, nề hà điều gì cả. Trái lại, lúc này dường như Trưởng đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của mình với nghề này nên anh lại càng hăng say tìm tòi, học hỏi. Tuy nhiên, khi công việc bắt đầu có những thuận lợi thì sức khỏe bố anh có dấu hiệu không tốt nên anh bỏ dở tất cả lại để về quê với bố. Chính trong thời gian này, anh đã gặp lại cô hàng xóm khi xưa, kém anh 2 tuổi và rồi nên duyên vợ chồng.

Cưới vợ khi gần như vẫn chưa có gì trong tay, bố mẹ đều già yếu, Trưởng lại tiếp tục phải đối diện với một giai đoạn thử thách mới, khó khăn hơn trong cuộc sống. Để lo được cho gia đình, anh đã phải bươn chải rất nhiều nơi và làm rất nhiều nghề khác nhau như thợ đổ bê tông, phụ hồ, buôn bán thuốc tẩy… Dẫu vất vả đến đâu, anh cũng không khi nào nguôi ngoai khát vọng vươn lên. Năm 2011, Trưởng quyết định quay trở lại với nghề nội thất thạch cao ở Hà Nội. Thời điểm bước đầu khi quay trở lại nghề này, anh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn khác đó là môi trường kinh doanh khác với thành phố Hồ Chí Minh, mối quan hệ công việc, quan hệ xã hội chưa có, vốn trong tay quá ít…. Vì thế Trưởng đã đi làm thuê vừa để tích lũy vốn và tay nghề, vừa tranh thủ làm tiếp thị lại kết giao các mối quan hệ làm ăn. Sau thời gian dài kiên trì với con đường đã chọn, dần dần, Trưởng đã có cho mình một ít vốn, một ít kinh nghiệm và những mối quan hệ xã hội để thực hiện hoài bão. Anh quyết định thành lập cửa hàng rồi sau đó là công ty chuyên nội thất thạch cao với tên gọi Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Thành, từng bước khẳng định thương hiệu tại khu vực Hà Nội, chủ yếu là quận Long Biên và một số tỉnh, thành phố phụ cận Hà Nội.

Anh Phạm Văn Trưởng, Giám đốc Công ty Thạch Cao Thành Trung cùng đoàn từ thiện tại Quảng Bình, tháng 10/2020

Ngồi uống chén nước chè với anh bạn học thuở phổ thông, nghe bạn xúc động kể về những hoàn cảnh của đồng bào miền Trung trong trận lũ vừa qua, tôi càng cảm nhận được tấm lòng của bạn. Những năm vừa qua, khi đã có điều kiện tốt hơn trong cuộc sống, Trưởng luôn hướng về làm những việc có ý nghĩa tốt đẹp cho quê hương, cho mọi người và xã hội. Trưởng từng chia sẻ với tôi: “Bản thân mình may mắn cũng gọi là có chút thành đạt thì càng phải có trách nhiệm với mọi người chứ bạn!”. Công ty của anh luôn ưu tiên những người con cùng quê hương cho dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa, chỉ cần hiền lành, chịu khó. Mấy lần ra chơi, tôi cũng đã gặp anh nhân viên tai bị điếc làm việc ở đó, lúc nào cũng phải đeo máy trợ thính. Những người bạn học mà dự định xây nhà, Trưởng biết thì đều đề nghị làm giúp nội thất với điều kiện tốt nhất có thể. Cũng chính Trưởng đã từng về lại trường xưa- THPT Đức Hợp để thiết kế và thi công ủng hộ công trình nội thất thạch cao cho phòng làm việc của BGH nhà trường. Và vừa rồi, khi thấy miền Trung lũ lụt, dù bận nhiều việc nhưng Trưởng vẫn liên lạc với tôi- một cán bộ nhỏ trong quân đội để tham khảo cách ủng hộ và kêu gọi ủng hộ, sau đó trực tiếp dẫn mấy xe hàng vào huyện Quảng Ninh - nơi bị ảnh hưởng lớn nhất của tỉnh Quảng Bình để phát hàng trăm phần quà gồm cả tiền và hiện vật cho đồng bào mình nơi đây. Trưởng nói, lúc đó lòng như bị xẻ làm đôi, một nửa vui vì làm được điều có ý nghĩa, một nửa xót vì thấy dân mình sao quá thiệt thòi, khó khăn và anh luôn muốn và sẽ còn làm nhiều, nhiều việc tốt nữa.

Nghe bạn nói, lòng tôi cũng như bị xẻ đôi, một nửa vui vì may mắn quen một người bạn tốt, một nửa buồn vì mình chưa làm được gì cho đất nước, quê hương./.


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website