Báo An ninh Thế Giới Online viết về Cô - trò trường làng và lớp học trên mây
Những ngày này, niềm vui dâng đầy ở ngôi Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên khi cô trò nhỏ Vũ Thảo Hiền, học sinh lớp 11, đoạt Huy chương vàng Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) cấp toàn quốc năm học 2019-2020 lần thứ 10.
Ngày 26-7 vừa qua, Thảo Hiền cùng thầy hiệu trưởng và mẹ đến dự lễ vinh danh và trao giải cuộc thi tại Nhà khách Chính phủ số 37 Hùng Vương, Thủ đô Hà Nội. Trong lấp lánh thành công, có hình ảnh những lớp học phủ sóng wifi ở ngôi trường làng để có thể kết nối muôn nơi, có niềm đam mê tiếng Anh và nghị lực của cô trò nhỏ Thảo Hiền. Và đặc biệt, có công sức rất lớn của cô giáo làng Trần Thị Thúy - người chèo đò nổi tiếng của quê hương xứ nhãn.
Cô giáo làng Trần Thị Thúy luôn tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền niềm đam mê tiếng Anh tới học trò.
Cô bé hạt tiêu
Vũ Thảo Hiền - cô học trò có cái tên thật dịu dàng, đôi mắt to tròn thông minh nói với tôi rằng, em may mắn được học dưới mái trường THPT Đức Hợp và được cô giáo Thúy chủ nhiệm và giảng dạy từ năm lớp 10. Với điểm số cao nhất trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018-2019, Thảo Hiền là thủ khoa đầu vào của Trường THPT Đức Hợp.
Cô bé vẫn giữ thư chúc mừng của thầy Hà Quang Vinh - Hiệu trưởng nhà trường gửi tới thủ khoa đầu vào như một lời động viên, khen ngợi cho những nỗ lực bước đầu của em. Trong thư, thầy mong mỏi cô học trò “sẽ tiếp tục cố gắng học tập và rèn luyện không những vì sự thành đạt của bản thân, mà còn góp phần viết tiếp những trang truyền thống tốt đẹp của nhà trường”.
Hai năm qua, Thảo Hiền luôn cố gắng học tập, tích cực tham gia các hoạt động trên lớp, hoạt động ngoại khóa. Hiền có thành tích học tập đáng nể ở tất cả các môn và đều đạt danh hiệu học sinh giỏi các năm. Tuy theo khối tự nhiên nhưng Hiền đặc biệt yêu thích môn tiếng Anh.
Tình yêu đó được bồi đắp, nuôi dưỡng qua những giờ học tiếng Anh “rất Tây” của cô giáo Thúy. Và điều mong muốn của thầy hiệu trưởng đã thành hiện thực khi Thảo Hiền là học sinh đầu tiên mang về cho nhà trường Huy chương vàng Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet cấp toàn quốc.
Trao đổi với chúng tôi, thầy hiệu trưởng Hà Quang Vinh chia sẻ rằng, thành công của Thảo Hiền sẽ là động lực quan trọng để các thầy cô giáo và học sinh của nhà trường thêm say mê với việc dạy và học môn tiếng Anh. Điều đó chứng tỏ rằng, ngoại ngữ và công nghệ thông tin là một trong những giải pháp kết nối giữa học sinh nông thôn với học sinh toàn cầu, với các đô thị hiện đại trong nước và trên thế giới, xóa đi khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa sự lạc hậu và tiến bộ hiện nay.
Em Vũ Thảo Hiền tại lễ vinh danh và trao giải Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet cấp toàn quốc năm học 2019-2020.
Với cô giáo Thúy, tinh thần học tập tự giác, bền bỉ của cô trò nhỏ Thảo Hiền khiến cô tin tưởng và đặt nhiều kì vọng. Hành trình ôn luyện của hai cô trò để tham gia các vòng thi Olympic tiếng Anh ở trường, ở huyện, tỉnh và cấp quốc gia diễn ra gấp rút, nghiêm túc. Những ngày nghỉ học thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, cô trò vẫn miệt mài ôn luyện online. Càng vào vòng trong, kiến thức càng khó, cô trò càng thêm quyết tâm.
Qua từng vòng thi, cô Thúy rèn cho Thảo Hiền các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh. Đặc biệt, cô luôn khuyến khích Thảo Hiền thuyết trình các vấn đề bằng tiếng Anh. Điều quan trọng là cô đã truyền cho Thảo Hiền sự tự tin, rằng dù học ở một ngôi trường quê nhưng Hiền hoàn toàn có cơ hội cọ xát và thử sức với tiếng Anh như học sinh thành phố nếu biết tận dụng lợi thế từ internet.
Những giờ học trên mây
Nhiều người gọi những giờ học của cô giáo Thúy ở trường THPT Đức Hợp là giờ học trên mây. Trong giờ học phá cách ấy, bàn học được xếp quây lại để học sinh được thảo luận nhóm, lớp học có sân khấu, có máy chiếu để các em thuyết trình, giao lưu. Trong 45 phút ít ỏi của tiết học, qua máy tính kết nối internet và chương trình “Skype in the classroom”, các em như được bay cao, chu du năm châu bốn biển, được nói tiếng Anh giao lưu với giáo viên và học sinh ở nhiều nước khác trên thế giới. Đó là buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các bạn học sinh Nhật Bản, đó có thể là buổi giới thiệu về dân ca quan họ Bắc Ninh với lớp học ở châu Phi...
Ở một ngôi trường vùng quê còn nhiều thiếu thốn, trong những lớp học chưa thực sự khang trang, dưới sự hướng dẫn của “cô giáo toàn cầu”, đã 5 năm nay luôn diễn ra những giờ học “rất Tây” như thế. Từ năm 2015, khi mà hạ tầng internet ở trường còn thiếu thốn, với 70m dây mạng, cô Thúy đã kì công xin được kéo mạng từ tòa nhà hiệu bộ luân phiên về từng lớp học để phục vụ các giờ học trực tuyến. Chính những giờ học như thế đã nuôi dưỡng niềm đam mê tiếng Anh, rèn giũa kĩ năng thuyết trình bằng tiếng Anh và làm việc nhóm cho các em.
Em Vũ Thảo Hiền hùng biện tiếng Anh trong cuộc thi Top100 TEDxHanoi.
Câu lạc bộ tiếng Anh của nhà trường do cô Thúy lập ra đã đi vào ổn định, sinh hoạt đều đặn thu hút đông đảo học sinh trong trường tham gia, tạo thành phong trào học tiếng Anh sôi nổi. Đó thực sự là một không khí học tập rất mới và phấn chấn ở Trường THPT Đức Hợp. Với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Anh của nhà trường, cô học trò Vũ Thảo Hiền được tập dượt cách tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ theo từng chủ đề của tháng như thuyết trình bằng tiếng Anh, chơi trò chơi, ca hát tiếng Anh. Nhờ đó, câu lạc bộ này luôn “hot” và truyền lửa cho học sinh toàn trường. Nhiều em có năng khiếu ngoại ngữ được các thầy cô phát hiện và bồi dưỡng trong quá trình tham gia câu lạc bộ.
Chính những giờ học trên mây đã giúp Thảo Hiền có đủ kĩ năng và tâm lý để tự tin thuyết trình tiếng Anh. Hiền đã vượt qua hơn 500 ứng viên để có cơ hội trình bày tại Top100 TEDxHanoi - một sân chơi dành cho các em học sinh có khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh. Bình thường trong giao tiếp, Thảo Hiền nhỏ nhẹ và có phần nhút nhát. Nhưng khi hùng biện tiếng Anh và điều hành những giờ thảo luận, cô bé trở nên dạn dĩ, tự tin và hăng say thể hiện kiến thức. Hình ảnh cô học trò trường làng nhỏ bé, giản dị trong bộ đồng phục học sinh tự tin, sôi nổi thuyết trình tiếng Anh trên một sân khấu lớn khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng.
“Cô giáo cá mòi”
Vũ Thảo Hiền là người xã Đức Hợp. Em khoe với tôi, cô giáo Thúy cũng ở cùng xã em. Hiền bảo, nhiều người gọi cô là “cô giáo Skype”, “cô giáo toàn cầu”, còn cô thì tự nhận mình là “cô giáo làng”. Hiền và các bạn thì thường gọi cô là “cô giáo cá mòi” vì ai cũng biết cha mẹ cô Thúy làm nghề đánh cá trên khúc sông Hồng chảy qua địa phận xã.
Đã có lần, cô Thúy kể cho học trò về tuổi thơ lam lũ của mình. Bố mẹ cô đánh cá mòi dọc khúc sông Hồng chảy qua xã Đức Hợp, cuộc sống nghèo xác xơ, bữa no bữa đói. Anh trai cô phải bỏ học theo bố mẹ xuống thuyền để cô và em trai được đến trường. Cô vẫn nhớ những ngày cả nhà lênh đênh trên sông đánh cá mòi. Có lần cô bé Thúy mang cơm xuống thuyền cho bố, trượt chân ngã nhào xuống nước. Cảm giác chới với trong nước đến giờ cô vẫn không thể nào quên được.
Cô bé Thúy đã lớn lên nhờ những con cá mòi dân dã. Thúy nghe bố kể về hành trình vạn dặm của con cá mòi bé nhỏ. Trứng cá mòi nở ra ở vùng nước ngọt, những con cá mòi con lớn lên theo dặm dài của dòng sông trôi ra biển, đắm mình trong những hạt phù sa màu mỡ. Để rồi khi lớn lên, chúng bơi ngược từ cửa biển về khúc sông quê - đúng nơi chúng đã sinh ra. Những con cá vào sâu trong khúc sông quê Thúy đều là những con cá to khỏe và béo ngậy.
Dưới bàn tay khéo léo, đảm đang của mẹ Thúy, cá mòi được chế biến đủ món. Thúy đã quen lắm những buổi làm ruốc cùng mẹ, được nghe tiếng mỡ cá cháy xèo trên bếp, được nghe tiếng mẹ giã gừng, giã ớt, giã cả những nhọc nhằn của bố phơi mình đánh cá giữa trời hè chang chang nắng. Và đến giờ, khi đã là một cô giáo, đã có gia đình riêng, nhiều khi Thúy vẫn phụ cha đi đánh cá và bán cá mòi.
Có đêm, bố Thúy đi đánh cá, ngang qua nhà con gái vẫn thấy con chong đèn soạn bài để ngày mai lên lớp. Ở mảnh đất Kim Động này, ruốc cá mòi, chả cá mòi, đặc biệt là cá mòi kho riềng do mẹ Thúy làm đã trở thành thương hiệu của vợ chồng ông lão thuyền chài.
Cô giáo làng Trần Thị Thúy luôn nặng lòng với khúc sông quê và đàn em ở đó. Tốt nghiệp loại giỏi Khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có nhiều cơ hội ở lại Hà Nội làm việc nhưng Thúy vẫn quyết định trở về giảng dạy ở Trường THPT Đức Hợp - ngôi trường Thúy từng theo học để truyền đam mê tiếng Anh cho lớp lớp đàn em quê hương.
Ở bến sông quê ấy, cô Thúy luôn ước mong Vũ Thảo Hiền cũng như nhiều em học sinh khác có thể đi xa hơn những nơi cô đã đi, làm được nhiều hơn những điều cô đã làm, để có điều kiện trở về giúp đỡ quê hương. Để rồi trên hành trình tìm về ấy, cô và trò ngày càng thành công và vững vàng hơn. Chẳng khác nào như đàn cá mòi luôn nặng lòng với khúc sông quê, cứ mải miết bơi trên hành trình ngược nước...
5 năm qua, những giờ học ứng dụng phần mềm Skype của cô giáo Trần Thị Thúy đã giúp học trò “đi qua” 22 quốc gia, thực hiện 215 triệu kết nối với giáo viên, học sinh ở nhiều nước trên thế giới. Cô Thúy cũng kết nối với nhiều giáo viên trong nước và quốc tế thuộc cộng đồng sáng tạo toàn cầu để chia sẻ câu chuyện về việc học, việc dạy tiếng Anh, lan tỏa tới các đồng nghiệp niềm đam mê và dấn thân vì nghề giáo.
Cô Trần Thị Thúy là 1 trong 50 giáo viên được nhận giải thưởng Giáo viên Toàn cầu tại Dubai tháng 3-2019.
Cô Thúy vinh dự được là một trong 4 giáo viên tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017 và giành giải đặc biệt. Sự nỗ lực của cô Thúy tiếp tục được ghi nhận khi cô là đại diện duy nhất Việt Nam lọt top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu 2019.
Cô Thúy từng vinh dự được phỏng vấn trực tiếp ông Anthony Salcito - Phó Chủ tịch Khối Giáo dục toàn cầu của Tập đoàn Microsoft, là người có sức ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục toàn thế giới. Ông Anthony Salcito đã rất ấn tượng và xúc động trước những chia sẻ chân thành của cô giáo Thúy đến từ Việt Nam về hành trình tìm kiếm phương pháp giảng dạy tiên tiến gắn với công nghệ thông tin, những thiệt thòi của học trò ở vùng quê nghèo và niềm tin mãnh liệt của cô giáo vào việc học tốt tiếng Anh sẽ là “tấm hộ chiếu” để các em bước ra thế giới. Ngài đại diện lãnh đạo Microsoft đã chào mừng cô giáo Thúy ở lại Canada làm việc. Đáp lại lời mời thịnh tình đó, cô Thúy chỉ cười: “Tôi ra đi là để trở về...”.
Theo Huyền Châm – Báo ANTG online