• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT ĐỨC HỢP, HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SÂN KHẤU HÓA HỌC ĐƯỜNG - SÂN CHƠI NGÀY ĐẦU TUẦN CỦA HS NHÀ TRƯỜNG

Sân khấu hóa học đường là một hình thức giáo dục hay, ý nghĩa giúp cho học sinh phát triển toàn diện. Hình thức này góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường.

Đây là năm học thứ hai, trong giờ sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai hằng tuần, các thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động) lại được thưởng thức một tiểu phẩm với những nội dung sinh động, gần gũi với cuộc sống, mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn mà tác giả, diễn viên chính là những học sinh trong trường. Đây là hoạt động không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện mà còn góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường. 

Một buổi biểu diễn trong chương trình sân khấu hóa học đường ở Trường THPT Đức Hợp

Sau những giờ học căng thẳng, lớp 11A1 lại sôi động, hứng khởi bởi sự tham gia góp ý của mỗi bạn để có ý tưởng về kịch bản, về cách diễn xuất hay, hiệu quả. Có khi lớp tranh thủ giờ ra chơi, có khi ở lại sau giờ học buổi chiều để hoàn thành tiểu phẩm mang tựa đề “Vẻ đẹp của khoa học tự nhiên”. Em Trần Văn Phúc, học sinh lớp 11A1 tác giả kịch bản cho biết: Tiểu phẩm này chuyển tải đến các bạn học sinh là phải có ý thức vươn lên học tập, chinh phục công nghệ thông tin để đạt được mục tiêu, ước mơ mình đặt ra thông qua vẻ đẹp của các môn KHTN. Một buổi biểu diễn như thế, chúng em có hai phần, đó là phần biểu diễn tiểu phẩm với các bạn có năng khiếu diễn xuất, phần văn nghệ thì huy động tất cả các bạn trong lớp cùng tham gia. Như vậy, bạn nào cũng đều có nhiệm vụ của mình và phải hoàn thành nhiệm vụ đó. Khi chúng em làm việc với nhau thì tình bạn gắn kết hơn, các bạn tương tác với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn trong học tập, cuộc sống. Thầy giáo ThS. Hà Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Sau nhiều trăn trở, suy nghĩ làm sao để buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần không đơn điệu, khô cứng, nhà trường đã dành khoảng 30 phút cho hoạt động sân khấu hóa học đường với sự vào cuộc chính là các em học sinh của tất cả các khối, lớp. Trường giao Đoàn thanh niên phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp xây dựng kế hoạch thực hiện. Ban đầu, các giáo viên khai thác nội dung qua các đoạn phim hoạt hình từ chương trình “Quà tặng cuộc sống” được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Trên cơ sở đó, lớp được phân công thực hiện sẽ lựa chọn diễn viên để tập luyện và biểu diễn. Đến năm học 2017-2018, ban tổ chức xây dựng chủ đề hàng tháng cho cả năm phù hợp với những ngày lễ kỷ niệm, những sự kiện của đất nước. Từ đó các lớp được phân công sẽ tự xây dựng kịch bản và được ban tổ chức kiểm duyệt trước khi tập luyện. Trường sắp xếp lịch diễn bảo đảm tất cả các lớp đều tham gia, trong đó khối 12 được bố trí thực hiện các buổi biểu diễn từ đầu năm học để còn dành thời gian cho việc chuẩn bị, ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia vào cuối năm học".

Em Trần Văn Phúc - Tác giả kịch bản kiêm diễn viên trong vai ông bố nhà quê

Ở mỗi tiểu phẩm đều chuyển tải thông điệp có ý nghĩa giáo dục đến các bạn học sinh. Có khi là hình ảnh người chiến sỹ anh dũng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, khi là hình ảnh người mẹ hiền tần tảo, cũng có lúc là sự trở về trong vòng tay yêu thương của người thầy, người cô sau những lầm lỗi của một học sinh cá biệt… Những hình ảnh đó đã đọng lại cảm xúc nhân văn, khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước, ý thức sống tốt hơn hay bùng cháy những khát khao học tập trong các em học sinh.

Thầy giáo Hà Quang Vinh chia sẻ: "Tổ chức hoạt động này nhằm thu hút tất cả các em học sinh cùng tham gia, mỗi em đều phải thực hiện công việc, trong đó một số học sinh cá biệt được đưa vào diễn xuất trong tiểu phẩm. Từ đó các em thấy được vai trò của mình thực hiện nhiệm vụ chung của lớp. Qua các tiểu phẩm, các em thể hiện năng khiếu, tính sáng tạo cũng như nhận thức, thẩm mỹ, cách nhìn nhận khi xây dựng nội dung và cách thức biểu diễn. Và điều đáng nói nữa  là từ khi hoạt động này được tổ chức đã hỗ trợ hiệu quả công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Trường không còn phải giải quyết hiện tượng học sinh mâu thuẫn, bỏ giờ…"

Hoạt động sân khấu hóa học đường tại Trường THPT Đức Hợp là một cách làm hay, sáng tạo, vì học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không chỉ phát huy kỹ năng mềm cho học sinh như làm việc nhóm, hùng biện trước đám đông, mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học chơi game, bạo lực học đường là những vấn đề đáng lo ngại trong các nhà trường.

BBT (st)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website