Bài viết số 5. Hành trình đổi mới
Xin chào các bạn. Trong chuyên mục Lý tưởng sống hôm nay, Ban biên tập xin gửi tới các bạn câu chuyện về một nhân vật truyền cảm hứng cho chúng ta.
Có một cô giáo làng quê đã đạt giải thưởng đựơc coi như giải Nobel trong giảng dạy. Có một con người nhỏ bé nhưng làm nên những điều phi thường. Nhưng cô không nhận mình là anh hùng vì đôi khi những điều lớn lao không đến từ năng lực siêu nhiên. “Cô giáo Skype, cô giáo trường làng, cô giáo toàn cầu”. Đây là những từ khóa chỉ cần nhắc đến là học sinh THPT Đức Hợp chúng ta đều biết đó là ai. Chính là cô giáo Trần Thị Thúy – giáo viên giảng dạy bộ môn Tiếng Anh trường THPT Đức Hợp cũng là giáo viên chủ nhiệm của tôi trong 2 năm nay.
Các bạn thân mến! Tại sao một con người nhỏ bé như cô lại làm được những điều như vậy?
Câu chuyện của cô được bắt đầu với niềm yêu thích học môn tiếng Anh. Giấc mơ trở thành giáo viên môn tiếng Anh của cô được nuôi dưỡng ban đầu bởi gia đình cô, trong đó có kỉ niệm về bố - người đã đội cả trời nắng chang chang 39 độ C, đạp xe 60 cây số chỉ để mua cuốn từ điển cho con gái mình. Và bố cô cũng nhấn mạnh rằng: giáo dục là chìa khóa để thay đổi cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt cô luôn thấy mình may mắn vì nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, hết sức mình của thầy cô, cô đã được trở thành một học sinh và giáo viên tại chính ngôi trường mình đã học tập, gắn bó – trường THPT Đức Hợp. Cô bắt đầu hành trình tự đổi mới của mình bằng việc hoàn thành khóa học chuẩn giáo viên Ngoại ngữ theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên. Và từ đây cô ý thức được rằng, giáo viên cần liên tục cập nhật, liên tục tự học. Biết đến cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam và cộng động giáo viên sáng tạo Microsoft toàn cầu, với vốn tiếng Anh sẵn có, cô đã tìm hiểu các hoạt động trên cộng đồng và biết được cách thức kết nối với học sinh và giáo viên các nước cùng dạy tiếng Anh. Hòa cùng không khí tích cực thực hiện nghị quyết 29 của Trung ương Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nhận thức vai trò của dạy học phát huy năng lực học sinh cho nên khi biết đến bộ Office 365 miễn phí dành cho giáo dục, tháng 2/2016 cô mạnh dạn hướng dẫn học sinh kết nối với giáo viên và học sinh Nhật Bản, để giao lưu văn hóa và từng bước tự tin khi đứng trước các bạn học sinh và giáo viên nước khác. Cô may mắn vượt qua hơn 1700 sản phẩm để góp mặt trong 71 sản phẩm dạy học tiêu biểu nhất tham dự chung kết cuộc thi được tổ chức vào tháng 8/2016 tại Hà Nội. Cô đã thuyết phục được ban giám khảo về cách mình tạo môi trường để học sinh cải thiện năng lực giao tiếp ngôn ngữ thông qua những giờ học kết nối Skype với các nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan. Tháng 2/2017 cô chính thức nhận được lời mời tham dự diễn đàn – sáng kiến giáo dục được tổ chức từ năm 2012 tới nay và vinh dự là 1 trong 15 giáo viên có cơ hội đến với diễn đàn. Khi được tham dự diễn đàn cô có cơ hội tiếp cận với những xu thế giáo dục phát triển tiên tiến nhất trên thế giới như ứng dụng thực tế ảo, STEM, trò chơi kích thích sáng tạo cho người học; các kỹ thuật để việc dạy trở nên hiệu quả hơn và cách cá nhân hóa việc học để họ trở thành những công dân toàn cầu. Đồng thời cô có cơ hội chia sẻ với các chuyên gia về những sáng kiến giáo dục mà mình đã thực hiện và được đánh giá cao tại các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn. Đặc biệt một hoạt động đáng chú ý trong diễn đàn là thử thách nhóm và đạt giải đặc biệt của phần thi này. Hơn thế nữa, cô muốn chứng minh với thế giới rằng: cô là giáo viên Hưng Yên, giáo viên Việt Nam,máu đỏ da vàng, và đây là cách cô tôn vinh đất nước và để chứng tỏ rằng năng lực của giáo viên nước mình đủ tốt để có thể bắt kịp với những mô hình học tập tiên tiến nhất trên thế giới. Đồng thời để có được hình ảnh này, cô luôn biết ơn những sự giúp đỡ của UBND tỉnh Hưng Yên, sở GD&ĐT và trực tiếp là ban giám hiệu trường THPT Đức Hợp đã tạo điều kiện tốt nhất để cô có thể hoàn thành sứ mệnh của mình. Sau những trải nghiệm mà cô đã có được, cô thấy được rằng nếu giáo viên biết cách sử dụng CNTT như là phương tiện hỗ trợ thì việc học tập của học sinh sẽ đạt hiệu quả. Hơn thế nữa, dù cuộc cách mạng 4.0 có mang đến thách thức với các ngành nghề khác nhưng mỗi giáo viên không bao giờ hết quan trọng và không thể thay thế. Mỗi học sinh có những năng lực học tập khác nhau, và thời cơ đang có thì với CNTT, không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Những kẻ mộng mơ mang trong mình những giấc mơ. Nhưng không phải ai cũng dám thức giấc để đi tìm. Cô Thúy cũng có những năm tháng bị coi là “ kẻ khờ mơ mộng” trong chính ánh mắt của những người xung quanh. Cô tự nhận những năm tháng đầu dạy học của mình “ thất bại”. Thất bại vì nghĩ chỉ cần bê nguyên kiến thức vào là dạy được. Thất bại vì nghĩ mình rất uyên thâm, mình rất chuyên nghiệp nhưng càng dạy mới thấy quá sức với học sinh. Nhưng không nản chí, 6 năm ròng rã thay đổi đủ phương pháp dạy học , và rồi cuối cùng cô chọn cách dạy qua màn hình Skype. Khi bắt đầu thay đổi, cô không biết mình có thể đi được những đâu, nhưng chắc chắn cô biết được mình có thể đi, đi rất xa.
Vừa rồi các bạn vừa nghe câu chuyện về cô giáo Trần Thị Thúy qua giọng đọc của bạn Trần Thị Hậu Bí thư chi đoàn 11A1. Các bạn thân mến! Hãy mơ ước bất cứ điều gì bạn muốn mơ. Đó là vẻ đẹp của trí tuệ con người. Hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn làm. Đó là sức mạnh của ý chí con người. Hãy tin tưởng vào bản thân để thử thách những giới hạn của mình. Đó chính là lòng can đảm để thành công.
Biên tập: Hoàng Tươi - Phó bí thư Đoàn trường