• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT ĐỨC HỢP, HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường THPT Đức Hợp phối hợp cùng các trường THPT thuộc cụm thi đua số 3 tổ chức thành công Hội thảo về "Trường học hạnh phúc"

Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục đào tạo hiện nay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, việc tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện là cái đích cần hướng tới, với mục tiêu “Trường học hạnh phúc” “Thầy Cô hạnh phúc” “Học sinh hạnh phúc” là mong mỏi của toàn xã hội. Thực hiện kế hoạch số 02/KH-CTĐ3 ngày 04 tháng 4 năm 2023 của Cụm thi đua số 3, tại trường THPT Đức Hợp đã diễn ra buổi Hội thảo chuyên đề “ Vai trò của cán bộ, giáo viên trong việc tạo dựng môi trường “Trường học hạnh phúc”.

Tác giả: Bùi Thanh Nam (Chủ tịch Công đoàn trường PHPT Đức Hợp)

Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục đào tạo hiện nay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, việc tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện là cái đích cần hướng tới, với mục tiêu “Trường học hạnh phúc” “Thầy Cô hạnh phúc” “Học sinh hạnh phúc” là mong mỏi của toàn xã hội. Thực hiện kế hoạch số 02/KH-CTĐ3 ngày 04 tháng 4 năm 2023 của Cụm thi đua số 3, tại trường THPT Đức Hợp đã diễn ra buổi Hội thảo chuyên đề “ Vai trò của cán bộ, giáo viên trong việc tạo dựng môi trường “Trường học hạnh phúc”. Với mục đích giới thiệu những thành quả đã đạt được, chia sẻ những kinh nghiệm và cả những khó khăn trong quá trình thực hiện xây dựng “Trường học hạnh phúc” tại các trường Cụm thi đua số 3 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. 

Thành phần tham dự Hội thảo gồm các đồng chí trong Ban giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn và đại diện giáo viên các trường THPT thuộc Cụm thi đua số 3 gồm: Trường THPT Đức Hợp, THPT Trần Quang Khải, THPT Trần Hưng Đạo, THPT Nguyễn Trung Ngạn, THPT Nghĩa Dân, THPT Phạm Ngũ Lão, THPT Nguyễn Siêu, THPT Minh Châu, THPT Nam Phù Cừ, THPT Triệu Quang Phục.

Đồng chí Lê Thanh Tuấn - Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Siêu Cụm trưởng Cụm thi đua số 3 phát biểu khai mạc buổi Hội thảo

Đồng chí Hà Quang Vinh - Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng trường THPT Đức Hợp báo cáo kết quả đã đạt được trong việc Xây dựng trường học Hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, giờ học hạnh phúc tại nhà trường trong thời gian qua, đồng thời đưa ra một số khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo, triển khai, thực hiện để các thành viên tham gia buổi hội thảo cùng thảo luận, bàn bạc, trao đổi, đồng chí cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe Báo cáo tham luận “Tiết học hạnh phúc” của cô giáo trần Thị Thúy giáo viên môn Tiếng Anh trường THPT Đức Hợp. Cô nhấn mạnh: Việc sử dụng skype trong lớp học giúp học sinh các khối lớp có những giờ học tập đầy hiệu quả và bổ ích cùng các bạn học sinh quốc tế, giờ học đã được kết nối dài hơn 1.900.000 km tới 25 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Anh, Mỹ, Thái Lan, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Ai Cập, Bangladesh, Guantemala, Baranh, Philippines, Australia, Hungary, Nga, Hy Lạp…Các em đã hình thành và phát triển kiến thức, phát triển được kỹ năng hợp tác và giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo hiệu quả  và phát triển những kỹ năng công dân toàn cầu…. 

Tiếp theo, là mô hình “Tiết học hạnh phúc” của thầy giáo Bùi Thế Nhưng tổ trưởng tổ Ngữ Văn trường THPT Trần Hưng Đạo. Thầy nhấn mạnh  “Hãy lên lớp với tâm thế thật vui vẻ, hứng thú, đừng bước vào lớp khi trong người đang bực bội, tức tối, khó chịu, đừng mang vào tiết học khuôn mặt nhăn nhúm, méo mó, đừng mang vào tiết học những suy nghĩ trăn trở ngoài nội dung bài  học. Chỉ khi Thầy, Cô hạnh phúc thì học trò mới có cơ hội có được tiết học hạnh phúc”

Tiếp theo là mô hình “Tiết học hạnh phúc” của Cô giáo Nguyễn Thị Lan giáo viên môn Tiếng Anh trường THPT Nguyễn Siêu. Cô nhấn mạnh: Thầy, Cô những người lái đò có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng Tiết học hạnh phúc, “Tiết học hạnh phúc” mang đến cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích, là người truyền cảm hứng, là tấm gương sáng để các em  noi theo.

Các thầy cô cần đổi mới từng ngày, từng giờ, đặc biệt luôn vui vẻ, yêu đời, yêu cuộc sống, thấu hiểu suy nghĩ của học sinh, tin tưởng và yêu thương học sinh của mình. Sau mỗi bài giảng tâm huyết, các thầy cô cũng có thể dành ra một chút thời gian để tâm sự, chia sẻ, lắng nghe những suy nghĩ của học sinh, tạo mối quan hệ tình cảm giữa thầy cô và các em học sinh ngày càng khăng khít, bền chặt.

Tiếp theo đó, là mô hình “Lớp học hạnh phúc” của cô giáo Tạ Thị Thu Mai  Giáo viên chủ nhiệm lớp 10A7 trường THPT Đức Hợp. Cô nhấn mạnh: Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng “Lớp học hạnh phúc” là tạo ra mối quan hệ tốt giữa GVCN và học sinh. GVCN cần lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng và hiểu được cảm xúc của học sinh. Tạo ra một môi trường thân thiện giúp học sinh cảm thấy thỏa mái để chia sẻ, trao đổi về các vấn đề liên quan đến học tập, tâm tư tình cảm và chia sẻ những khó khăn vất vả trong cuộc sống. Cô chia sẻ: Lớp học hạnh phúc là ngôi nhà thứ hai, là nơi học sinh gắn bó trong những năm đầu của cuộc đời. Sống và học tập một cách thật ý nghĩa tại mái nhà chung 10A7, cùng nhau xây dựng một “Mái nhà hạnh phúc” để được yêu thương chia sẻ, bao dung, mỗi ngày đến trường là một ngày tràn đầy niềm vui và tiếng cười. Hiểu một cách đơn giản, Lớp học hạnh phúc là nơi Thầy và Trò luôn muốn đến với niềm vui, an toàn, thân thiện, tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩ, bổ ích, tạo sân chơi thú vị, cùng tham gia sinh hoạt, nâng cao tinh thần đoàn kết và gắn bó trong một tập thể, đồng thời cũng là nơi giúp học sinh thể hiện khả năng của bản thân, được tự tin làm chính con người của mình và cảm nhận được hạnh phúc của bản thân khi học tập và rèn luyện tại lớp.

Đến với “Lớp học hạnh phúc” của cô giáo Trần Thị Thu Hương giáo viên môn Sinh học trường THPT Triệu Quang Phục. Cô chia sẻ: Lớp học hạnh phúc là nơi mà ở đó kỷ luật vẫn nghiêm (nhưng là kỷ luật tích cực) …Lớp học hạnh phúc –nơi không áp đặt phát triển theo khuôn mẫu, nơi mà giáo viên có vai trò định hướng để học sinh được làm những gì mình yêu thích và say mê….nơi tôn trọng cảm xúc và sự khác biệt

Tiếp theo là bài phát biểu tham luận của cô giáo Lê Thị Hài-Tổ trưởng chuyên môn trường THPT Nguyễn Siêu với nội dung “ Vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc xây dựng“Trường học hạnh phúc”. Cô nhấn mạnh: Hoạt động của tổ chức Công đoàn luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Đảng nhà trường và của Công đoàn cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ với BGH, BCM và các tổ chức đoàn thể trong trường. Tổ chức BCH Công đoàn phải là một tập thể đoàn kết, có năng lực tổ chức các hoạt động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đồng thời là tổ ấm thứ 2 của tất cả các đoàn viên. Mọi hoạt động của Công đoàn  phải được công khai, minh bạch và xác định đoàn viên là chủ thể trong mọi hoạt động, sức mạnh của Công đoàn chính là làm cho đoàn viên thấy được lợi ích khi gia nhập tổ chức Công đoàn, cùng được bàn bạc, cùng thảo luận, cùng thống nhất, gắn bó mật thiết với tổ chức, xem việc xây dựng Công đoàn vững mạnh là trách nhiệm của chính mình.

Làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của VCLĐ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ. Cần làm tốt công tác thi đua, khen thư¬ởng, kịp thời biểu dư¬ơng, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời tìm ra những ưu, khuyết điểm, khắc phục  tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về chế độ chính sách, lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết các vấn đề bức xúc của đoàn viên để tìm ra hướng giải quyết kịp thời.

Cô giáo Lương Thanh Hằng - Phó hiệu trưởng trường THPT Nam Phù Cừ, thay mặt các đồng chí lãnh đạo trường thuộc Cụm thi đua số 3 phát biểu kết luận buổi Hội thảo: Cô nhấn mạnh: Để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, cần nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. Trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Khi con người có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại, để khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội.

Để người học có được niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi đến trường, những người có trách nhiệm (cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo) phải trao đi những yêu thương bằng những hành động cụ thể; biết quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi em; nắm bắt được tâm lí, năng lực, sở trường của người học để có biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất.

Trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ. Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; một lời phê, nhận xét chính xác, chân tình; một giờ giảng hay, hấp dẫn, một phong cách giản dị, trong sáng, mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp sẽ theo người học suốt cuộc đời. Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng của người học được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, bằng những phần thưởng nho nhỏ động viên; là sự chân thành, hồn nhiên, trong sáng của tình bạn, là những vấn vương, rung động đầu đời của tuổi mới lớn, là khung cảnh nên thơ, trữ tình của hàng cây, ghế đá,… Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quang đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ tuổi học trò.

Khi con người cảm thấy được hạnh phúc, được quan tâm, yêu thương, thấy trường học thực sự là nơi hữu ích, sẽ tạo cho các em sự phấn chấn, mê say trong học tập, nghiên cứu khoa học để trở thành người hữu ích cho xã hội. Vì thế có thể nói trường học hạnh phúc là nền tảng, bệ đỡ tinh thần để những ý tưởng, mục tiêu giáo dục, đào tạo được thực thi một cách hiệu quả, ý nghĩa nhất. Để xây dựng trường học hạnh phúc, việc đầu tiên là sự thống nhất trong nhận thức và quyết tâm hành động của toàn ngành giáo dục, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU CỦA BUỔI HỘI THẢO “ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC”

Thầy giáo Bùi Thế Nhưng, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn trường THPT Trần Hưng Đạo tham luận tại Hội nghị - Ảnh Đức Khánh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website