Đoàn kết và sống có trách nhiệm để chiến thắng Covid-19
Trước tình hình dịch bệnh tiến triển rất phức tạp, sau đây BBT xin được trích nguyên văn lại bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại điện tử "GD&TĐ - Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch, tất cả vì mưu cầu hạnh phúc, tính mạng cho người dân. Với truyền thống, ý trí của người Việt, chúng ta sẽ thắng và tiếp tục phải thắng cuộc chiến này"
Ngày 11/3/2020, Tổng Thư ký LHQ ông Antonio Guterres kêu gọi: "Cần có trách nhiệm và đoàn kết, các quốc gia cần đoàn kết lại, mọi người hãy đoàn kết lại". Đó là quan điểm Quốc tế của người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh. Đây là hành động khẩn thiết không chỉ dành cho một quốc gia nào hay một cá nhân nào.
Đoàn kết là yếu tố vô cùng quan trọng là sức mạnh vô địch để chống lại đại dịch Covid-19. Kỳ vọng vào sự chỉ đạo của cấp vĩ mô và hợp tác chặt chẽ giữa các nhà chức trách với người dân là biểu hiện sáng nhất, cao nhất về tình đoàn kết của tất cả người dân trước nguy cơ dịch bệnh đang lây lan và diễn biến khó lường trên toàn cầu và ngay ở Việt Nam.
Để đoàn kết được đông đảo người dân, không cách gì tốt hơn là tạo niềm tin vững chắc cho mỗi người và cả cộng đồng.
Trước hết là phải hiểu cơ chế lây virus và để từ đó không hoang mang và biết cách làm thế nào chế ngự và chặn đứng chúng.
Chúng ta sẽ không được hoảng loạn, không để nỗi sợ hãi lây lan mà cần bình tĩnh nhưng tuyệt đối không thụ động và chủ quan. Thực tế chống dịch đã bớt xấu và có nhiều tin vui, có phần rất lạc quan: giới khoa học toàn cầu đã cùng nhau vào cuộc.
Nguyên nhân và cách nhận biết virus đã được phát hiện. Virus được loại bỏ, đã có mẫu vắc-xin và đang thử nghiệm kháng virus; tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và cả Hàn Quốc, Nga rồi Việt Nam… đã được kiểm soát và cải thiện đáng kể.
Đoàn kết nghĩa là không kỳ thị. Kỳ thị, phân biệt và bỏ rơi người bệnh sẽ là vi phạm y đức, sẽ làm giảm đáng kể sức mạnh của sự đoàn kết để chống lại đại dịch. Một dân tộc được xem là văn minh sẽ không có sự kỳ thị trước cơn bão của dịch bệnh. Ai cũng được quan tâm, ai cũng được khám chữa bệnh miễn phí và không ai bị bỏ mặc cô đơn khi bão dịch đang tràn qua.
Với nhiều lý do khác nhau, không may đã có nhiều người, cả ta và cả Tây bị mắc dịch bệnh. Suy cho cùng, họ không có lỗi, không là tội phạm, đúng nghĩa chỉ là những người đáng thương mến do không may mắc dịch.
Không thể vì quá cảm xúc, sợ dịch mà tấn công, quy kết họ trên báo chí và mạng xã hội, thậm chí còn đòi công khai danh tính những người này. Việc này đi ngược với nguyên tắc đạo đức, gây hậu quả nghiêm trọng khi đang chống dịch, đồng thời vi phạm luật lệ y tế hiện hành: người bệnh có quyền được chữa bệnh và giữ bí mật thông tin cá nhân. Không khai báo, khai báo sai hay lẩn chốn cách ly sẽ là chuyện khác là việc của pháp luật họ có quyền được xử lý.
Những đối tượng như người già, người có bệnh nền, người nghèo, đội ngũ y bác sĩ và ngay cả hệ thống lãnh đạo chính quyền các cấp… rất dễ mắc bệnh và bỏ rơi hay chủ quan và ít để ý. Chúng ta không thể mất họ và thiếu họ trong cuộc chiến chống dịch cam go và quyết liệt này.
Mỗi chúng ta phải thực sự như là những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trên sân cỏ, làm tròn bổn phận cá nhân và phải tuyệt đối làm theo sự hướng dẫn của người chỉ đạo. Có như vậy mới tạo thành một tập thể đoàn kết, cùng chí hướng xung quanh Chính phủ và sẽ thắng được cuộc đối đầu sinh tử với hàng triệu con virus chết người như chủng Covid-19.
Sống có trách nhiệm
Một quy luật nhân quả hiển nhiên là: khi mỗi người biết tự bảo vệ mình để không mắc dịch thì khi đó cộng đồng sẽ không có người bị bệnh và cuối cùng là dịch bệnh sẽ tự khắc thoái trào. Điều đó có nghĩa là, tất cả mọi người có nghĩa vụ phải tự phòng tránh dịch và để không một ai bị mắc dịch, lây nhiễm ra cộng đồng.
Covid-19 đã bộc lộ rõ sự đáng sợ nhất của nó là khiến những mặt xấu trong xã hội được bộc lộ rõ nét nhất.
Ở lĩnh vực dịch tễ, chỉ cần một vài người không tuân thủ quy định của Ban chỉ đạo chống dịch thì con số lây lan ra cộng đồng sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân một cách khủng khiếp.
Hệ thống phòng thủ và mặt trận chống dịch sẽ “toang” nếu có người xây kẻ chống hay theo kiểu “ công làm thủ phá” để làm hỏng cả một trận cầu kinh điển.
Cũng chính từ đại dịch này lòng trung thực và trách nhiệm công dân của người dân được hiện diện một cách sáng tỏ nhất. Tất cả mọi người dân đều có trách nhiệm đóng góp tinh thần và công sức của mình trong công cuộc chống Covid-19.
Hãy sống sao cho “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Chia sẻ những khó khăn đời thường với người dân trong khu cách ly, với những chiến sĩ dũng cảm trên tuyến đầu chống dịch. Hãy bỏ ra công sức và cả tiếng nói của mình để kêu gọi mọi người, để kéo lại người dân gần nhau hơn, cùng “chung lưng đấu cật”, đồng tâm chống lại đại dịch.
Để chống lại và chiến thắng Covid-19, tốt nhất mỗi người dân hãy là người thông thái, biết bình tĩnh và trang bị cho mình mội đội quân miễn dịch khỏe mạnh, tinh nhuệ ở ngay cơ thể mỗi người. Tin rằng, tất cả người Việt chúng ta sẽ trở thành là những người thông thái.
Bằng cách minh bạch thông tin, sẽ không còn đất sống để có thể gieo mầm và phát triển thông tin sai và bịa đặt. Cập nhật diễn biến dịch, giải thích cho người dân các biện pháp chống dịch có tính khoa học và hợp lý với Việt Nam. Chúng ta không hề cực đoan, không có cưỡng ép và cả không phải thiếu linh hoạt trong chỉ đạo và hành động. Nhiều cá nhân đã bị xử lý vì đưa thông tin sai, thiếu kiểm chứng làm rối loạn xã hội, làm khó khăn trong công tác chỉ đạo chống dịch. Thiết nghĩ, cần làm mạnh mẽ hơn nữa để chống lại những con virus tiêu cực này trước khi ngăn cản những con virus đáng sợ hơn như Covid-19.
Theo báo GD&TĐ