• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT ĐỨC HỢP, HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí quyết ghi điểm bài viết Nghị luận Xã hội dành cho Team 2001

Học sinh cần đọc kỹ, xác định yêu cầu đề bài để trả lời câu hỏi đây là dạng đề nào và có những vấn đề gì cần giải quyết.

 

Dạng văn nghị luận xã hội  xuất hiện trong đề thi chiếm 2 đến 3 điểm. Trong đó, nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hay gặp hơn cả.

Theo cô Vũ Hà, Giáo viên bộ môn Ngữ văn Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn, dạng bài này không khó nhưng học sinh ít khi đạt điểm cao vì hay mắc những sai lầm như không xác định được dạng đề; bố cục xây dựng chưa hợp lý; chưa biết cách mở bài, kết bài; viết lan man, lặp ý, thiếu ý hoặc thiếu dẫn chứng, liên hệ.

Theo cô Vũ Hà (ngoài cùng bên trái), văn nghị luận xã hội là dạng bài không khó nhưng học sinh ít khi đạt điểm cao.

Theo cô Vũ Hà (ngoài cùng bên trái), văn nghị luận xã hội là dạng bài không khó nhưng học sinh ít khi đạt điểm cao.

 Kỹ năng phân tích đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lý

Phân tích đề là bước quan trọng đầu tiên nhằm chỉ ra những yêu cầu về nội dung, thao tác lập luận và phạm vi dẫn chứng của đề bài. Học sinh cần đọc kỹ, gạch chân các từ then chốt, xác định yêu cầu đề bài để trả lời hai câu hỏi: Đây là dạng đề nào và có những vấn đề gì cần giải quyết.

Có hai dạng đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là đề nổi và đề chìm.

Đề nổi (đề trực tiếp) - học sinh dễ dàng nhận ra và xác định yêu cầu ngay trong đề bài. Ví dụ: Bàn về lòng tự hào dân tộc, bàn về sự tự ti, bàn về lòng dũng cảm...

Đề chìm (đề gián tiếp) - học sinh cần đọc kỹ đề bài, dựa vào ý nghĩa câu nói, câu chuyện, văn bản được trích dẫn để xác định vấn đề nghị luận.

Trong quá trình xác định và làm bài, học sinh phải hiểu đúng, sâu, nắm được bản chất tư tưởng, đạo lý. Đồng thời, các em cũng phải thể hiện quan điểm, thái độ của mình trước tư tưởng, đạo lý mà đề bài yêu cầu nghị luận: chỉ ra đúng - sai, lợi - hại, cái được - cái chưa được... Bên cạnh đó, học sinh phải giữ lập trường, quan điểm vững vàng trong suốt quá trình viết; diễn đạt trong sáng, có thể sử dụng các biện pháp tu từ, yếu tố biểu cảm và nêu cảm nghĩ riêng trong bài viết.

4 bước cơ bản làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lý

Bước 1: Giải thích tư tưởng, đạo lý

Đầu tiên, học sinh cần giải thích nghĩa của những từ ngữ trọng tâm có tính then chốt, sau đó giải thích nghĩa cả câu nói: giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả được thể hiện như thế nào qua câu nói (đối với đề bài có tư tưởng, đạo lý thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ,...). Phần giải thích thường trả lời cho các câu hỏi: Là gì? như thế nào? biểu hiện cụ thể ra sao ?

Bước 2: Bàn luận

Người viết phải phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời cho câu hỏi tại sao nói như thế? dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó, chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội).

Bác bỏ những biểu hiện sai lệch vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng có thể chưa đúng trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; để phần bàn luận sâu sắc, người viết phải đưa các dẫn chứng minh họa.

Bước 3: Mở rộng

Có nhiều cách mở rộng vấn đề: Mở rộng bằng cách giải thích và chứng minh; đào sâu thêm vấn đề; lật ngược vấn đề. Người viết đưa ra mặt trái của vấn đề, phủ nhận nó là công nhận cái đúng. Ngược lại, nếu vấn đề bình luận là sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai.

Bước 4: Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động

Mục đích của nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục mọi người áp dụng và hành động trong thực tiễn đời sống.

Trước những sai lầm hay mắc phải khi làm dạng bài này, cô Hà lưu ý, học sinh cần xác định đúng yêu cầu của đề bài, thực hiện đúng phương pháp và chọn lựa đúng kiến thức cần huy động. Hệ thống dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục và vừa đủ (khoảng 2-3 dẫn chứng). Cùng với đó, thiết lập một hệ thống lập luận chặt chẽ và thể hiện rõ quan điểm vững vàng của người viết, đồng thời, diễn đạt ngắn gọn, súc tích.

"Các em nên thường xuyên đọc sách báo, xem các chương trình truyền hình để có thêm vốn hiểu biết. Đặc biệt, với dạng bài này, việc thể hiện sự sáng tạo, quan điểm mang dấu ấn cá nhân... sẽ là yếu tố quan trọng giúp học sinh đạt điểm cao", cô Vũ Hà chia sẻ thêm.

Theo Thế Đan - vnexpress.net


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website