• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT ĐỨC HỢP, HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thầy và trò trường THPT Đức Hợp lên báo Quân đội nhân dân.

QĐND - Chiều tháng 4, khi những hạt nắng vẫn lấp ló xen qua bao tầng lá, thầy Trần Đức Khánh, Bí thư Đoàn trường THPT Đức Hợp (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) say sưa tham gia tiết mục văn nghệ với Câu lạc bộ ghi ta của học sinh dưới bóng hàng cây trong sân trường.

Được biết, đây là một trong những hoạt động ngoại khóa thường xuyên vừa tạo thêm sân chơi tinh thần cho học sinh, vừa góp phần vun đắp, gần gũi thêm tình cảm thầy trò của nhà trường.

Theo thầy Hà Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp, trường học hạnh phúc là mô hình mà nhiều đơn vị giáo dục hiện nay đang hướng đến. Xác định muốn có trường học hạnh phúc phải có con người, nghĩa là những chủ thể hạnh phúc, trước hết, nhà trường đã tập trung đổi mới tư duy về giáo dục cho đội ngũ cán bộ, giáo viên với phương châm “Nghiêm túc trong công việc, tôn trọng lẫn nhau, vì học sinh hành động”.

 

Chơi mà học ở Trường THPT Đức Hợp

Sinh hoạt Câu lạc bộ ghi ta dưới gốc “cây điều ước” ở Trường THPT Đức Hợp (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). 

Theo đó, mỗi cán bộ, giáo viên đã thay đổi cả phương pháp giảng dạy, chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng năng lực và thay đổi hành vi, thái độ với nhau, với phụ huynh và với học sinh trên tinh thần gần gũi hơn, yêu thương hơn. Mặt khác, nhà trường luôn khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia các cuộc thi, viết sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao bản lĩnh và trình độ chuyên môn. Mỗi cán bộ, giáo viên có thành tích tốt đều có khen thưởng, động viên kịp thời. Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm chăm lo cho đối tượng học sinh. Ngoài những giờ học bình thường, các em học sinh còn được tham gia những “tiết học hạnh phúc”, “lớp học hạnh phúc” mà ở đó các thầy cô có những hình thức, phương pháp giảng dạy mới với các nội dung và các kiểu bài.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa thường xuyên cho học sinh, như: Câu lạc bộ STEM, bóng đá, bóng rổ, tiếng Anh, đàn ghi ta hay động viên học sinh tự nghiên cứu làm những mặt hàng thủ công bán tại hội chợ từ thiện do nhà trường tổ chức để tạo kinh phí ủng hộ các trường khó khăn khu vực miền núi phía Bắc... và khuyến khích cán bộ, giáo viên nhà trường tham gia nhằm thêm điều kiện chia sẻ tình cảm, định hướng tư tưởng thế hệ tương lai kế cận. Để động viên tâm lý học trò, xây dựng ước mơ và hoài bão cho học sinh, nhà trường thường tổ chức định kỳ các buổi tọa đàm, đối thoại với học sinh, đồng thời sử dụng một cây lộc vừng lớn ở giữa sân trường làm “Cây điều ước”. Theo đó, cứ vào đầu khóa học, mỗi học sinh viết điều ước của mình vào dải ruy băng buộc lên “Cây điều ước” làm mục tiêu phấn đấu.

Đi cùng thầy hiệu trưởng tới tham quan lớp 12A1 đúng trong buổi học ứng dụng Skype của cô giáo Trần Thị Thúy đang kết nối với Trường THPT Hữu Lũng, (Hữu Lũng, Lạng Sơn), chúng tôi rất bất ngờ về không khí trong lớp với sân khấu, bàn ghế được kê xếp lại để học sinh thảo luận nhóm; có máy chiếu để học sinh kết nối với trường bạn và thuyết trình đề tài, trình bày hiểu biết về nhiều chủ đề với phong cách rất tự tin, gần gũi. Thầy Hà Quang Vinh cho biết thêm, lớp học kết nối ứng dụng phần mềm Skype là một trong những niềm tự hào của trường. Bởi trước năm 2016, việc ứng dụng Skype trong giảng dạy của ngành giáo dục còn hạn chế, nhưng với thành công của Dự án giáo dục “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” cùng Giải đặc biệt cho ý tưởng sử dụng công nghệ thông tin để truyền tải đến học sinh thông qua các công cụ của Microsoft trong Diễn đàn giáo dục toàn cầu E2 2017 của cô giáo Trần Thị Thúy, thực sự tạo bước đột phá lớn.

Những năm qua, Trường THPT Đức Hợp đã tổ chức học tập kết nối với các cơ sở giáo dục của hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng nhiều trường THPT trong nước. Trong các buổi học, các em không những được trao đổi kiến thức mà còn được tham quan, tìm hiểu đặc trưng văn hóa của quê hương các bạn cùng trang lứa và được giới thiệu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương mình. Riêng cô Trần Thị Thúy được tổ chức giáo dục Varkey bình chọn vào tốp 50 giáo viên toàn cầu năm 2019.

Bài và ảnh: VŨ GIA TUYỂN


Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website